ATM gạo và từ thiện lậu
12:49 AM
Dịch Covid-19

Mấy hôm rồi anh em NK chửi đồng bào BK vụ xếp hàng lấy gạo ATM phũ quá. Anh em chửi bọn trung lưu hay đại gia mà bon chen thì còn được, nỡ lòng nào chửi bần nông như vậy? Tất cả đều có lý do của nó.
Mình có sống qua thời bao cấp, giai đoạn cuối, đói khát nhất. Vẫn nhớ cảnh phải xếp hàng cùng bố mẹ đi mua gạo, mua than...Kinh khủng nhất là xếp hàng mua than ở bãi than ngoài trời, hàng ngàn người chen chúc xếp hàng rồi xúc, nhồi vào xe cải tiến. Sau đó kéo bộ về nhà cách 3-4km, phải huy động cả nhà đi cùng kéo và đẩy xe. Khổ nhục lắm! Nhưng mà vẫn không ai chửi chế độ, vì hầu như ai cũng phải thế!
Nhưng đó là ký ức không thể nào phai với người dân miền Bắc mà mình nghĩ là dân Nam ít phải trải qua, hoặc có bị cũng không nặng bằng. Người Bắc bắt đầu phải xếp hàng mua các nhu yếu phẩm có lẽ từ khoảng năm 1955. Đến sau năm 90 mới hết hẳn, cũng mất 2 thế hệ, nên đã hình thành tâm lý bon chen cho người dân. Xếp hàng thời bao cấp là phải đè đầu cưỡi cổ nhau. Văn minh hơn thì có thể đặt đồ vật để thế chân. Từ "đặt gạch" có nguồn gốc từ đó, dân miền Nam chắc không biết?
Chính vì thế nên dân Bắc hầu hết đều có tâm lý bon chen khi xếp hàng. Đến bây giờ, cái sự bon chen đã giảm nhiều cùng với phát triển kinh tế, nhưng về tâm lý, nó vẫn ăn sâu vào não nhất là với người già ở đô thị. Chuyện này vẫn hay gặp ở quầy tính tiền siêu thị. Mình xếp hàng hay lấy điện thoại ra nghịch, thế là có mấy mẹ mắt trước mắt sau là chen ngay vào trước, chắc nghĩ mình không thấy.
Ở tất cả các chỗ mua bán cần xếp hàng đông thì hầu như đều có chen lấn. Buồn cười nhất là có mấy cụ còn chen lấn cả ở chỗ xếp hàng vào gate ở sân bay, chắc sợ máy bay bay mất, nghĩ giống như ở bến tàu, bến xe.
Nhìn những người trong bức ảnh chen chúc là thấy họ còn già hơn mình, tức là đều có ký ức chen lấn đó. Cộng thêm bóng ma đói khát giai đoạn cuối thập niên 198x sẽ hiện về khiến cho người ta càng thêm tâm lý bon chen, nhất là khi họ là những người nghèo. Vì thế, những người này đáng thương hơn đáng trách.
Một lý do chính khiến xảy ra việc chen lấn, đó là do phải xếp hàng quá dài, người ta chờ lấy được 2-3 kg gạo, đáng giá 50-60 ngàn, mà phải chờ hàng tiếng thì cũng là cực hình rồi. Xếp hàng dài là do HN chỉ mới có 1, rồi 2 cây ATM gạo, mà lượng người nghèo thì đông.
Các cây ATM này đều của cá nhân đứng ra làm từ thiện "lậu", cũng giống như các tổ chức, cá nhân khác làm từ thiện mà không thông qua MTTQ. Tổ chức tư nhân, cá nhân làm từ thiện thì không đủ nguồn lực để kiểm soát việc xếp hàng, tổ chức phân phối với số lượng lớn. Lẽ ra các đoàn thể nhà nước (dân phòng, đoàn thanh niên...) cũng cần chung tay với họ. Đã có người dân làm từ thiện bị chính quyền địa phương dẹp, với lý do không đảm bảo giãn cách xã hội.
Nếu nhà nước hỗ trợ địa điểm và nhân lực để tách ra thành 5-10 cây ATM, thì sẽ giảm việc chen lấn. Hoặc có thể dùng cách lấy số để chờ (như ở các bệnh viện, ngân hàng) và gọi loa, để người dân ít phải xếp hàng, di chuyển. Cũng có thể áp dụng công nghệ nhắn tin...
Người Bắc vốn sĩ diện, người ta phải xếp hàng chờ lấy 3kg gạo mất cả tiếng, phơi mặt (tuy có khẩu trang) ra ngoài để báo chí chụp ảnh, cũng xấu hổ lắm chứ. Đói thì đầu gối phải bò thôi. ATM gạo miền Nam trật tự hơn 1 phần do dân nghèo miền Nam cũng ít phải bon chen hơn dân Bắc và số lượng ATM gạo cũng nhiều hơn. Anh em NK cần nhớ là anh em đỡ bon chen 1 phần lớn là do có cuộc sống may mắn hơn, thời gian sống dưới chế độ CS đói rách chỉ bằng nửa so với đồng bào BK.
Hình như việc CP hỗ trợ người nghèo mới diễn ra trên TV? Hiện tại người nghèo toàn nhận quà từ thiện lậu của tư nhân nhỉ? Việc làm từ thiện lậu này bao giờ cũng khởi nguồn từ SG.
Sao lại gọi là TỪ THIỆN LẬU? Đó là vì nhà nước vẫn muốn độc quyền chống dịch, cứu trợ bão lụt, thiên tai. Để người dân nhận quà từ thiện thì ơn đảng, ơn CP. Chưa thấy người nhận quà từ thiện nào từ nhà nước mà cám ơn nhân dân, trong khi những thứ họ nhận được đều từ nhân dân, cho dù nó có lấy từ ngân sách.