Friday, March 4, 2016

Những nỗ lực chống Pháp của vua Tự Đức



Những điều chúng ta được học về vua Tự Đức cho thấy ông là 1 ông vua nhu nhược, hèn yếu trước thực dân Pháp và bị coi như tội đồ để mất nước. Mình lại đánh giá ông theo 1 góc nhìn khác, rộng hơn, có tham chiếu với các nước lân bang.

Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược nước ta ở Đà Nẵng vào năm 1858, xét về thực lực thì Đại Nam không có cửa thắng, tuy nhiên Nguyễn Tri Phương cũng cầm cự được cả tháng khiến quân Pháp nản chí phải chuyển sang đánh chiếm Gia Định và 2 tỉnh miền Đông còn lại, quân Tây Ban Nha phải rút về. Tại sao lại là TBN? Đó là vì TBN đã chiếm Philippines từ thế kỷ 13 và TBN có nhiều cố đạo ở VN cũng bị vua Nguyễn đàn áp, nên 2 nước này đã liên minh với nhau. Tuy nhiên sau đó mối quan hệ giữa 2 nước sứt mẻ và liên minh tan rã. Xin lưu ý thêm là chính vua Napoleon 3 là vua nước Pháp lúc này. Vậy Tự Đức làm gì có cửa để thắng 1 đội quân hùng mạnh thuộc loại nhất châu Âu khi đó.

Phan Thanh Giản cũng nhận thức được sự chênh lệch về quân sự giữa Đại Nam và Pháp, sau chuyến sang Pháp để xin chuộc 3 tỉnh miền Đông, nên phải chấp nhận giao nốt 3 tỉnh miền Tây cho Pháp rồi tự tử, chịu tiếng "mãi quốc" cả đời, để tránh chiến tranh tốn xương máu nhân dân. Thực tế cho thấy, tất cả các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đều dễ dàng bị đàn áp, cũng vì sự chênh lệch quá lớn về vũ khí và văn minh.

Vua Tự Đức phải chấp nhận mất 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, để đổi lấy hòa bình, triều đình Huế vẫn tìm cách dùng tiền để chuộc lại nhưng không thành.

Sau đó, nhân sự kiện Bắc Kỳ với tên lái buôn Jean Dupuis, thành Hà Nội bị mất sau 1 tiếng bởi viên đại úy Garnier và khoảng 40 lính! Vẫn là Nguyễn Tri Phương, là tướng với phẩm hàm thuộc loại tột đỉnh của triều Nguyễn, cỡ đại tướng bây giờ với khoảng 2000 quân. Nếu ông không tự vẫn thì cũng bị chém hoặc bị cách chức. Điều này càng cho thấy sự chênh lệch về sức mạnh vũ khí. Sau đó, triều đình Huế phải chấp nhận cho người Pháp tự do buôn bán ở Bắc Kỳ, nhượng 1 phần đất ở HN và vùng mà sau này là Hải Phòng cho Pháp, với hiệp ước 1874 .

Khi mất mát quá nhiều, vua Tự Đức đã có ý tưởng cầu viện và cải cách. Ông đã cho người liên hệ với Tây Ban Nha, Đức, Mỹ để xây dựng quan hệ ngoại giao vì các nước này cũng có ý đồ nhòm ngó thị trường Đại Nam nhưng lại không muốn thông qua người Pháp, nhưng đen đủi thay, đã không thành công. Ông còn cho người cầu viện nhà Thanh, thì được đáp ứng.

Trước đó, các ông Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện...đã có nhưng đề xuất cải cách về ngoại giao, kinh tế nhưng tiếc rằng chính cac quan võ trong triều lại phản đối, đó là nhóm các tướng Nguyễn Tri Phương, Võ Trọng Bình và bà Thái hậu Từ Dũ. Chỉ có quan võ Trần Tiễn Thành là ủng hộ Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ (2 ông đã từng sang Pháp để xin chuộc 3 tỉnh miền Đông). Những người có xu hướng cải cách đều bị cho là chủ hòa, thân Pháp, vài người theo Công giáo, bị phe chủ chiến mạnh hơn loại bỏ, như Trần Tiễn Thành sau này bị Tôn Thất Thuyết (chủ chiến) giết chết. Tấm gương canh tân của Xiêm, Nhật Bản đã được đề xuất song đều bị bỏ ngoài tai chính vì phe chủ chiến.

Chính sự tỉnh ngộ muộn màng này của vua Tự Đức là lý do khiến người Pháp lo ngại mất đi độc quyền khai thác ở Bắc Kỳ. Vì thế mà người Pháp quyết đánh HN lần thứ 2 để khẳng định quyền bảo hộ duy nhất của mình. Pháp chiếm thành HN lần 2 khiến tổng đốc Hoàng Diệu phải tự vẫn cũng dễ dàng như lần 1. Sau khi mất HN lần 2, triều đình Huế chính thức "cõng rắn về cắn rắn" bằng cách cầu viện Thanh triều. Quân Thanh kéo sang Bắc Kỳ nhưng đánh cũng không lại quân Pháp, buộc phải ký hiệp ước Thiên Tân công nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc và Trung Kỳ. VN thoát Trung lần đầu tiên từ đó, 1 cách cưỡng bức. Tự Đức và triều đình Huế đã sai lầm khi cho là quân Thanh có thể đương đầu với Pháp và coi người Pháp là kẻ thù không thể hợp tác như mong muốn của phe chủ hòa. Thực ra, 1 phần là do ông thiếu may mắn, ông mất cùng với vết nhơ để mất nước.

Trong khi đó, các nước lân bang như Philippines đã bị TBN chiếm từ thứ kỷ 13, Malaysia đã bị Anh chiếm, Indonesia bị Hà Lan chiếm, Cao Miên và Lào vừa là thuộc quốc của Đại Nam và Xiêm (khoảng 1/3 thuộc về Xiêm, 2/3 là thuộc quốc của Đại Nam). Myanmar đã là thuộc địa của Anh. TQ thì bị 7 nước phương Tây xâu xé. Chỉ duy nhất Xiêm còn độc lập. Vậy Đại Nam mất nước có gì là lạ? Ta hãy so sánh chính sách ngoại giao của Xiêm và Đại Nam.

Vua Xiêm thực ra cũng nhu nhược không kém gì Tự Đức. Xiêm chấp nhận "bán nước" cho Anh 3 tỉnh miền Nam giáp Malaysia để đổi lấy hòa bình. Sau đó, bị Pháp gây hấn, Xiêm "bán" nốt 1 số vùng đất trước kia của Chân Lạp và vùng đất cũ của Lào cho Pháp (trả lại Chân Lạp và Lào). Như vậy vua Xiêm "mãi quốc" hầu hết các vùng đất chiếm được của các nước lân bang cho Anh và Pháp. Xiêm khôn ngoan (hay may mắn hơn?) Đại Nam ở chỗ đặt Pháp - Anh vào thế 2 hổ tranh ăn nên chả con nào ăn được cả, mỗi con được 1 mẩu mà thôi. Ngoài ra Xiêm còn chủ động để các nước phương Tây khác đặt quan hệ ngoại giao, có quyền buôn bán tự do ngang nhau ở Xiêm. Dẫn đến nước nọ kiềm chế nước kia. Xiêm không mất nước nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ.

Trong bối cảnh như vậy vua Tự Đức đâu hoàn toàn là kẻ nhu nhược, tiếc là trong triều đình Huế có quá nhiều "anh hùng" mà Xiêm không có! Cần biết là Xiêm trước đó không hề là 1 quốc gia hèn yếu. Họ gây chiến khắp các lân bang, đánh sang tận Đại Nam, vào thời Minh Mạng. Nhưng đứng trước họa xâm lăng của Tây phương họ đã tỉnh ngộ và trở nên "hèn nhát" đúng lúc. Vì anh hùng sao được với những thế lực đó?

Còn nước Chân Lạp, khi xác định đằng nào cũng bị bảo hộ, vua Norodom đã chọn ngay nền bảo hộ của nước Pháp thay vì Đại Nam hay Xiêm, không tốn 1 giọt máu. Ông thông minh hơn vua Tự Đức, người chấp nhận sự bảo hộ của Thanh để chống Pháp, như thế là trái với tự nhiên nên không thành công. Tương tự vậy với các tiểu quốc Lào.

Tóm lại, vua Tự Đức có đúng có sai nhưng chắc chắn không phải kẻ ngu hèn. Tiếc là ông đã không đủ quyết đoán có giải pháp ngoại giao thống nhất, đã mềm dẻo thì phải mềm dẻo triệt để như Xiêm, đằng này lại nửa nọ nửa kia, lúc đánh lúc hòa, dẫn đến đánh thì kém mà hòa thì không thật lòng, để người Pháp nghi kỵ mà đàn áp. Xương máu nhân dân vẫn phải đổ, nước vẫn mất mà tiếng nhơ bán nước mãi chưa rửa được.

Dương Quốc Chính, 04/03/2016
https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/596888017130832
Chia sẻ:
Post a Comment