Tuesday, March 7, 2017

Lược sử các học thuyết kinh tế - Phần 2



Lược sử các học thuyết kinh tế - Phần 1

Một số quan điểm cơ bản của các nhà kinh tế theo trường phái Keynes:

Kẻ thù của thịnh vượng chính là...tiết kiệm. Nếu cả dân và doanh nghiệp cùng giảm chi tiêu thì ắt sẽ xảy ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Vậy nên nếu điều đó xảy ra thì chính phủ sẽ phải chủ động chi tiêu để kích cầu nhằm phục hồi kinh tế.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp thấp thì lạm phát phải cao, vì người dân có thu nhập cao sẽ chi tiêu nhiều. Còn nếu tỷ lệ thất nghiệp cao thì lạm phát sẽ thấp do người dân thắt chặt chi tiêu. Sẽ không có chuyện vừa thất nghiệp cao và lạm phát cao. Lạm phát 1 chút mà để giảm thất nghiệp thì có thể chấp nhận được.

Keynes lý giải nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái là do sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai, nói cách khác là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã dẫn đến suy thoái. Nhưng kinh tế học cổ điển đã không thể tự sửa lỗi, lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, để khôi phục kinh tế. Chính vì điều này nên thường khi có biến động của thị trường chứng khoán thì chính quyền VN thường "chỉ đạo" cho các "kinh tế gia" hay chính trị ra chém gió để trấn an dư luận. Thậm chí là xúi nhân dân nên "nuôi con gì, trồng cây gì" ở giai đoạn khủng hoảng. Thực tế thì ở VN người dân thường làm ngược lại những lời khuyên nói trên!

Các quan điểm trên của phe Keynes, khớp với sự phục hồi kinh tế Mỹ sau đại khủng hoảng. Đặc biệt là khi Mỹ tham chiến ở thế chiến 2, nền kinh tế thời chiến khiến cho mọi người đều có việc làm và vì chiến tranh nên việc chính phủ can thiệp sâu vào kinh tế không làm ai thắc mắc. Cho đến khi chiến tranh kết thúc thì kinh tế Mỹ lại càng phát triển mạnh hơn khiến cho phe Keynes làm lu mờ trường phái Cổ điển Áo mà lúc đó đại diện là F. Hayek và Ludwig von Mises. Hai ông này lúc đó trở nên yếu thế, bị lãng quên vì thực tế đang không giống với lý thuyết của họ. Cả hai lúc đó lại quay sang triết học chính trị, chống lại CNXH và gần như bỏ qua Keynes.

Thêm một lý do khiến trường phái kinh tế Cổ điển trở nên lỗi thời, đó là vào những năm 1930 - 1940, mô hình XHCN được Liên Xô thử nghiệm thành công ở LX và sau đó là ở Đông Âu. Nền kinh tế tập trung của Đức Quốc xã đã đẩy lùi cơn đại suy thoái và biến nước Đức từ 1 nước bại trận thành 1 cường quốc ở châu Âu. Nền kinh tế kế hoạch phát triển rực rỡ, nhất là từ sau thế chiến. Thậm chí vào năm 1956, Khruschev còn tuyên bố "Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông (các nước tư bản - DQC)". Phần nhiều trí thức tin tưởng vào sự phát triển của kinh tế kế hoạch hơn là kinh tế tự do. Nhiều bạn trẻ hiện nay chê trách ông cha mình vì đã tin vào CNCS, các bạn nên nhớ là ngay ở châu Âu những năm 1950-1980 thì nhiều trí thức cũng tin tưởng vào CNXH vì những tiến bộ vượt bậc của LX và Đông Âu.

Tuy nhiên, không phải kinh tế gia nào cũng đồng ý với trường phái Keynes. Kẻ chống lại Keynes mạnh mẽ nhất là Milton Friedman, 1 kinh tế gia giảng dạy tại Đại học Chicago, người đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 1976 và được coi là kinh tế gia có ảnh hưởng nhất vào nửa sau thế kỷ 20.

Vào những năm 1960, kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào lạm phát. Theo quan điểm của Keynes và thực tế hồi thế chiến 2 đã chứng minh, chiến tranh thậm chí còn tốt cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng lần này điều đó lại không đúng với chiến tranh Việt Nam, đó lại là gánh nặng cho nước Mỹ. Lạm phát tăng cao nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng (trái với nhận định của Keynes đã kể trên). Vào tháng 1/1975, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 13% và tỷ lệ thất nghiệp là 9%, đều ở mức cao. Khi Nixon mới nhậm chức vào năm 70 thì lạm phát đã là 6%. Có lẽ đây là 1 trong những lý do khiến Nixon quyết định rút quân khỏi VN và TT Ford sau đó đã cắt giảm tối đa viện trợ dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Lý do kinh tế này ít được nhắc đến như là 1 lý do chính của việc Mỹ đã thua ở VN.

Sai lầm tiếp theo của phái Keynes là nhận định "tiết kiệm là kẻ thù của tăng trưởng". Thực tế cho thấy, nhiều khi tiết kiệm chỉ là ngắn hạn, là sự tích lũy cho tiêu dùng tương lai (để không phải vay nợ tiêu dùng). Thật vậy, người ta thay vì mua 1 chiếc ô tô trả góp rồi trả lãi hàng tháng trong vài năm thì có thể tiết kiệm chi tiêu bằng cách gửi ngân hàng cho đến khi đủ tiền. Cách thứ 2 không phải vay nợ hoặc lượng tiền vay nợ giảm đi nhiều. Trên bình diện quốc gia cũng như vậy. Phương pháp của Keynes khiến cho các quốc gia phải gánh món nợ công khổng lồ và ngày càng tăng cao.

Milton Friedman lý giải nguyên nhân của Đại suy thoái là do sự điều hành yếu kém của chính phủ và FED chứ không phải do sự bất ổn của thị trường tự do. Ông đưa ra kết luận: Nếu tiền tệ ổn định, giá và lương linh hoạt thì tư tưởng của A. Smith sẽ đơm hoa kết trái. Ổn định tiền tệ là điều kiện thiết yếu, tiên quyết cho sự ổn định kinh tế.

Với những nỗ lực hết mình từ Hayek đến Friedman đã khiến cho trường phái kinh tế cổ điển được phục hồi để thành trường phái Tân cổ điển. Một lý do nữa để đưa Milton Friedman lên đỉnh cao của thành công chính là sự sụp đổ của LX và Đông Âu, đúng vào thời điểm TT Mỹ Reagan, 1 nguời theo trường phái Tân cổ điển, lãnh đạo cuộc đua với LX, dẫn đến sự sụp đổ của kinh tế kế hoạch. Với uy tín đó, ông và những học trò theo trường phái của ông đã là KTS cho cải cách kinh tế ở Chile, Ba Lan, Nga và cả Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình.

Những phát súng đầu tiên bắn vào nền kinh tế kế hoạch và trường phái Keynes là từ Hayek và L. Mises, nhưng không đủ sức mạnh để chiến thắng. Đến Friedman mới là người kết liễu nền kinh tế tập trung và làm bị thương nặng trường phái Keynes, khiến học thuyết này bị đánh bạt khỏi các trường kinh tế ở các nước tư bản. Tuy nhiên, Keynes vẫn sống khỏe ở các nước cánh tả , tân CS (kiểu Nga và kiểu TQ, VN).

Như trên ta đã thấy học thuyết Keynes đã đi vào thoái trào ở các nước tư bản, sự trỗi dậy gần đây nhất là giai đoạn Obama vực dậy nền kinh tế Mỹ qua cơn khủng hoảng 2008, nhưng cái giá phải trả là gánh nợ công khổng lồ. Keynes không còn luôn đúng nữa nhưng chả còn mấy quốc gia có nền kinh tế tự do tuyệt đối, chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn được áp dụng ít nhiều từ Đông sang Tây.

Chi tiêu công vẫn có tác dụng tốt với nền kinh tế nếu đầu tư đúng chỗ và hiệu quả. Chẳng hạn, VN thay vì xây tượng đài nghìn tỷ để thẩm du tinh thần thì nên đầu tư cầu đường, giáo dục, y tế, nhưng phải với chi phí phù hợp với khả năng trả nợ trong tương lai. Chi tiêu công đó khiến cho người dân có công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Gần đây động thái hủy dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là quyết định táo bạo về cắt giảm đầu tư công, có lẽ do món nợ khổng lồ sẽ phải gánh.

Dương Quốc Chính, 07/03/2017

https://www.facebook.com/100004289162781/posts/786119811540984/?d=n
Chia sẻ:
Post a Comment