Friday, July 27, 2018

Lịch sử hiện đại Campuchia và tam giác quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - Campuchia


Chuyển từ note sang stt, viết 3 năm rồi, cập nhật thêm thông tin hiện tại

Gần đây lại rộ lên vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa VN và Campuchia. Dân VN ghét TQ thế nào thì dân Cam ghét VN như thế. VN có công cứu sống dân Campuchia và nuôi dưỡng chính quyền CS Campuchia, tiền thân của chính quyền Hun Sen hiện nay thì TQ cũng có công dưỡng dục chính quyền CSVN. Dân VN chửi Campuchia ăn cháo đái bát thì TQ cũng chửi VN như vậy. Dân VN coi TQ lấn át, lấn đất VN thì dân Cam cũng cho là VN lấn át và lấn đất Cam.Thực ra đều có lý do lịch sử cả. Mình viết tiếp cái note này về mối quan hệ giữa 3 nước VN - TQ - Cam trong lịch sử cận hiện đại, nhấn mạnh các điểm tương đồng giữa từng cặp VN - TQ, VN - Cam.

Quá khứ thuộc địa và chư hầu

VN có hàng nghìn năm là thuộc địa của TQ, bị TQ sáp nhập, gần đây nhất là thời nhà Minh chiếm Đại Ngu từ thời nhà Hồ năm 1407, đến khi Lê Lợi khởi nghĩa mới giành được độc lập vào năm 1428. Tuy nhiên, khi giành độc lập xưng vương, xưng đế gì thì vua Đại Việt đều phải sang Tàu xin sắc phong làm An Nam quốc vương, đương nhiên không ông nào dám xin phong hoàng đế, như thế là ngang với vua bên Tàu. Như vậy, người Tàu luôn coi Đại Việt là phiên thuộc, chư hầu. Tùy từng thời điểm TQ mạnh yếu thì mức độ tự chủ, của VN hay sự can thiệp của TQ vào VN (tạm gọi chung cho các quốc hiệu của nước Việt) nhiều hay ít. Trong 1 số lần can thiệp quân sự, TQ cũng gây dựng cả vua cho VN như Trần Ích Tắc (quân Nguyên dựng lên), Trần Cảo (quân Minh dựng lên thay nhà Hồ) hay Lê Chiêu Thống (quân Thanh khôi phục nhà Lê). Đến như Lê Lợi, Quang Trung đánh thắng quân Tàu nhưng vẫn phải sang xin phong làm An Nam quốc vương. Gần đây nhất là vua Gia Long xin phong vương, xin đặt quốc hiệu là nước Nam Việt, nhưng nhà Thanh không đồng ý, vì sợ lẫn với nước Nam Việt của Triệu Đà (lãnh thổ bao gồm cả Lưỡng Quảng) nên phải đổi sang thành nước Việt Nam. Đến khi Pháp chiếm toàn bộ VN thì ký hiệp ước Pháp - Thanh (1895) và giành quyền bảo hộ VN. VN lần đầu tiên thoát Trung là vào năm đó, phần Nam Kỳ của VN có may mắn là mới thuộc về VN 300 năm rồi lại sớm về tay người Pháp nên chưa từng bị TQ đô hộ.

Sau sự sụp đổ của đế quốc Khmer thì Xiêm (Thái Lan) tách ra, còn lại nước Chân Lạp (Campuchia). Chân Lạp khi đó chia thành 2 vùng là Thủy Chân Lạp (Nam Kỳ của VN ngày nay, dân Cam gọi là Khmer Krom) và Thổ Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Nước Chân Lạp ở thế kẹp giữa 2 nước hùng mạnh hơn, phía Tây là Xiêm, phía Đông là Đàng Trong của chúa Nguyễn (khi đó đã thôn tính Chiêm Thành), nên thường xuyên phải chịu sự bảo hộ rồi sáp nhập từng phần, luân phiên bởi 2 nước lân bang. Chân Lạp khi đó nội loạn liên miên, anh em đánh nhau tranh ngôi vua, có lúc có 2 vua đồng thời, 1 ông làm đệ Đàng Trong, ông kia làm đệ Xiêm. Đánh nhau, cầu viện rồi cắt đất trả ơn, mất đất vào tay chúa Nguyễn toàn bộ vùng Thủy Chân Lạp (Xem thêm note ở phần dẫn nhập bên trên).

Vùng Thổ Chân Lạp tuy không bị sáp nhập thì phải chịu sự bảo hộ (làm chư hầu) của chúa Nguyễn và Xiêm, tùy từng thời kỳ. Đáng chú ý nhất, vào thời vua Minh Mạng, nhân vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi, quân Xiêm sang đánh VN bị quân Nguyễn đánh bại, quân Nguyễn trên đường truy kích địch tiện thể sáp nhập luôn 2/3 đất Chân Lạp, xóa sổ đất Chân Lạp đổi thành Trấn Tây Thành, 1/3 còn lại phía Bắc Chân Lạp cũng bị Xiêm sáp nhập. Đến thời vua Thiệu Trị vì nhà Nguyên cai trị khắc nghiệt nên dân Chân Lạp nổi dậy đánh đuổi, quân Nguyễn phải rút về, tái lập nước Chân Lạp, Chân Lạp lại chịu sự bảo hộ của nhà Nguyễn như trước thời Minh Mạng. Năm 1858, triều Tự Đức, người Pháp chiếm Nam Kỳ rồi đòi quyền bảo hộ Chân Lạp vào năm 1863, kể từ đó Campuchia mới được thoát Việt. Cam thoát Việt trước khi Việt thoát Trung đến 30 năm. Nhưng vì sự ly khai đó là do bị bên thứ 3 cưỡng bức nên không bền vững.

Vì quá khứ thuộc địa và chư hầu kể trên nên VN luôn có mặc cảm với TQ cũng như Cam luôn mặc cảm với VN và biên giới do người Pháp vẽ hiện nay được dùng làm chuẩn cho tranh chấp lãnh thổ sau này. Hiện tại, nghe nói, biên giới trên bộ VN - TQ thì VN chịu thiệt, biên giới VN - Cam thì Cam chịu thiệt, thiệt cụ thể thế nào mình không bàn ở đây, các bạn có thể tự tìm hiểu. Thiệt hại đó cũng dễ hiểu thôi, cá lớn phải nuốt cá bé và còn 1 số lý do sau đây.

Sự phụ thuộc và ảnh hưởng

Năm 1945, VN giành được độc lập, thành lập nước VNDCCH, nhưng không được quốc tế công nhận. Khi quân Tàu Tưởng vào miền Bắc VN để giải giáp quân Nhật thì cũng đã gây sức ép để Việt Minh nhường 1 số chức vụ và 1 số ghế ở quốc hội cho những người thân Tàu ở 2 đảng Việt Quốc và Việt Cách. Tuy nhiên Tàu Tưởng không hề có tham vọng ở VN nên chấp nhận để Pháp quay lại miền Bắc, bỏ mặc mấy ông đàn em mới dựng lên cho VM tiêu diệt, đổi lại thì Pháp trả lại Tàu nhượng địa của Pháp ở TQ. Bắc Việt suýt nữa thì lại rơi vào vòng tay TQ.

Chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, chính phủ VNDCCH rút lên chiến khu Việt Bắc, giáp biên giới Tàu, cầm cự bằng chiến tranh du kích với Pháp. Đến năm 49, CS TQ thắng trong cuộc nội chiến Quốc Cộng, Trung hoa dân quốc chạy ra Đài Loan, Mao thành lập CHND Trung Hoa và TQ là nước đầu tiên công nhận và viện trợ cho VNDCCH với dã tâm biến VN thành chư hầu như cũ. Liên Xô công nhận VNDCCH vào năm 50. Nhờ có LX, TQ viện trợ nên VNDCCH liên tục giành chiến thắng, thắng lợi mang tính bước ngoặt là trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Geneva được ký kết, LX và TQ và Pháp quyết định nội dung hiệp định. VNDCCH tạm thời quản lý từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, Quốc gia VN của Bảo Đại quản lý phía Nam. VNDCCH chính thức rơi vào vòng tay TQ và LX, chủ yếu là TQ vì ở gần hơn. Kể từ đó TQ viện trợ liên tục cho VNDCCH để đánh Mỹ, đánh VNCH, xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đáng chú ý là cố vấn TQ là những người hoạch định chính sách CCRĐ ở miền Bắc, gây nên nhiều đau thương và xáo trộn cuộc sống nhân dân VNDCCH.

Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc thành lập đảng CS Đông Dương, tên đảng ban đầu chỉ là đảng CS VN, nhưng Quốc tế 3 không đồng ý, bắt đổi sang thành đảng CS Đông Dương để đảng có trách nhiệm quốc tế vô sản với 2 nước Đông Dương còn lại và cử Trần Phú làm TBT. Tuy tên là đảng CS Đông Dương nhưng toàn người Việt, cho đến năm 45 thì chưa có đảng viên người Campuchia nào.

Đầu những năm 40, 1 số người Cam kháng chiến chống Pháp bị Pháp đày ra Côn Đảo thì mới được bạn tù là đảng viên CS Đông Dương "giác ngộ cách mạng", trong đó có đồng chí sư bí danh là Sơn Ngọc Minh. Năm 1951 đảng CS Đông Dương tách làm 3, mỗi nước 1 đảng, VN thành lập đảng hộ 2 nước kia! Ngày 21-9-1951, đảng nhân dân cách mạng Campuchia được VN thành lập và viết hộ cương lĩnh, Sơn Ngọc Minh làm chủ tịch. Đảng này thay tên đổi chủ mấy lần, hiện nay chính là đảng của thủ tướng Hun Sen. Đảng này lúc đó chưa nắm được chính quyền, phải hoạt động bí mật và không đủ thực lực để tự giành chính quyền từ vua Norodom Sihanouk.

Vua Sihanouk có nhiều điểm tương đồng với vua Bảo Đại, 2 ông cai trị quốc gia của mình gần như cùng thời điểm rất nhạy cảm, đều được học hành tử tế từ nền giáo dục Pháp, khá ôn hòa, nhưng Sihanouk may mắn hơn Bảo Đại vì phía đối lập không đủ mạnh. Sihanouk lên ngôi năm 1941, lúc đó cũng như Bảo Đại, ông chưa có quan điểm quốc gia chống Pháp.

Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp, giống y ở VN, được người Nhật khuyến khích, ông tuyên bố độc lập, thành lập chính quyền thân Nhật, may mắn cho ông là không có phe nào nhân cơ hội Nhật đầu hàng đồng minh nhảy ra cướp chính quyền như ở VN. Năm 46, Pháp quay lại Đông Dương, Sihanouk lại hợp tác với Pháp, tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến, đảng Dân chủ thân Hoàng gia và được Pháp hậu thuẫn giành đa số.

Năm 51 thành lập chính thể quân chủ lập hiến, nước Campuchia độc lập trong khối Liên hiệp Pháp hệt như Quốc gia VN của Bảo Đại thành lập năm 49. Cũng giống Bảo Đại, Sihanouk trở thành Quốc trưởng, ông tìm mọi cách đấu tranh ôn hòa với người Pháp để giành độc lập hoàn toàn cho Campuchia. May mắn đến với ông vào ngày 9/11/1953, Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Campuchia, trước cả VN và Lào, do quá mệt mỏi khi phải đối phó với VNDCCH. Quốc gia VN chỉ được trao trả độc lập hoàn toàn vào ngày 4/6/1954 ngay trước khi hiệp định Geneva được ký kết.

Việc vua Sihanouk giành độc lập, nước Campuchia không có đổ máu là câu trả lời cho nhận định "nếu VM không cướp chính quyền thì VN sẽ mãi làm nô lệ". Câu trả lời là nếu VM không cướp chính quyền thì Bảo Đại vẫn giữ chính quyền, kịch bản sẽ y như Campuchia, thời điểm giành độc lập hoàn toàn có thể muộn hơn nhưng chắc chắn VN sẽ thành 1 nước quân chủ lập hiến trong LH Pháp như QG VN đã từng.

Hiệp định Geneva quy định VNDCCH quản lý bắc vĩ tuyến 17, Lào và Campuchia độc lập và trung lập, không cộng sản. Những người CS Cam 1 phần theo tập kết ra Bắc Việt, 1 phần ở lại Cam hoạt động bí mật, sau bị Sihanouk đàn áp không khác gì ông Diệm đàn áp CS tại VNCH. CS Cam coi như không có vai trò gì và 2 nước VN cũng không gây được ảnh hưởng gì đáng kể đến chính quyền Campuchia trong giai đoạn chiến tranh VN.

Trong chiến tranh VN, Campuchia và Lào tuy là trung lập nhưng phe CS của 2 nước này vẫn được VNDCCH hỗ trợ để phát động chiến tranh du kích, quấy rối chính quyền. Chính quyền Sihanouk vẫn thân với VNDCCH hơn VNCH chính vì họ coi toàn bộ Nam Kỳ là đất cũ của họ, có tranh chấp lãnh thổ, trong khi đó thì VNDCCH không hề có tranh chấp gì với Cam, hơn nữa đất Bắc VN là đất gốc của Đại Việt cũng không hề có tranh chấp lãnh thổ với Chân Lạp. Tranh chấp chỉ bắt đầu có từ thời Đàng Trong của chúa Nguyễn.

Vì thế mà Sihanouk mặc kệ cho VNDCCH dùng đất của mình làm chiến khu, còn VNDCCH thì dùng kế "Mượn đường diệt Quắc" mượn đường của Cam để đánh vào Nam. Điển hình nhất là Sihanouk cho VNDCCH thuê cảng Sihanouk Ville để VNDCCH nhập vũ khí và hàng hóa, rồi chuyển vũ khí vào Nam VN bằng đường bộ, đây là con đường quan trọng nhất để tiếp viện cho MTDTGP miền Nam. Ngược lại, ngay trong giai đoạn 54-75, chính quyền VNCH vẫn thường lấn lướt Cam giành 1 số đảo của Cam ở vịnh Thái Lan.

Hơn nữa, VNCH (ông Nhu) đã từng tổ chức đảo chính ở Cam nhưng hụt, càng làm cho Sihanouk ngả về VNDCCH và TQ. Sihanouk rất thân thiết với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cũng như Kim Nhật Thành kể từ năm 1956. Ông cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, Anh vào năm 1965, nghiêng hẳn sang phía CS tuy không phải là CS. Chính vì vậy Sihanouk là cái gai trong mắt chính quyền VNCH và Mỹ, vì Cam chính là chiến khu của Việt Cộng.

Đảng CS Campuchia chỉ chính thức hoạt động độc lập từ năm 1960, lúc này lãnh đạo đảng là những người được học hành từ Pháp về, trong đó có Pol Pot, Ieng Sary, Khiêu Samphan. Đảng đổi tên là đảng Lao Động, y như đảng Lao Động VN lúc đó. Đảng này được VNDCCH hỗ trợ để phục vụ mình trong chiến tranh VN nhưng sự ủng hộ còn hạn chế vì Bắc Việt còn lợi dụng được Sihanouk.

Năm 1970, Lon Nol, 1 người thân Mỹ, nguyên là thủ tướng, tổng tư lệnh Campuchia làm đảo chính lật đổ Sihanouk, thành lập nước Cộng hòa Khmer. Lon Nol đề nghị quân Bắc Việt và Việt Cộng phải rời khỏi Campuchia. VNCH và Mỹ nhân cơ hội này, lần đầu tiên, mở chiến dịch tiến công các căn cứ của quân CS ở Cam. Trước nguy cơ, VNDCCH cùng TQ tích cực hỗ trợ Khmer đỏ chống lại chính quyền Lon Nol. Sihanouk lưu vong sang TQ cũng thành lập chiến quyền lưu vong, hợp tác với Khmer đỏ để chống Lon Nol. 17/4/1975, Khmer đỏ chiếm được Phnom Penh, giành chính quyền. Campuchia chuyển sang trang sử mới đẫm máu với nạn diệt chủng.

Tranh chấp và huynh đệ tương tàn


Năm 1958, thủ tướng Phạm văn Đồng ra công hàm gửi thủ tưởng Chu Ân Lai ủng hộ quan điểm của TQ về hải phận 12 hải lý từ lãnh thổ và hải đảo TQ bao gồm cả các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa theo cách gọi của VN, lúc đó do VNCH quản lý). Năm 1974, TQ chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay VNCH, VNDCCH không có ý kiến, MTDTGPMN phản đối. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, VNDCCH tuyên bố chủ quyền với toàn bộ các quần đảo TS và HS bất chấp thực tế TQ đang kiểm soát HS.

Sau khi giành chính quyền, Khmer đỏ công khai quan điểm chống CHXHCN VN và liên tục đánh phá các tỉnh và hải đảo ở biên giới với mong muốn giành lại chủ quyền cũ từ thời Chân Lạp. Khmer đỏ được TQ ủng hộ tuyệt đối. Với tinh thần cuồng tín và hoang tưởng cao độ, đúng ngày 30-4-1977 Khmer đổ tấn công, thảm sát tại tỉnh An Giang.

Sau 1 thời gian đấu tranh ngoại giao không thành công và sau khi ra nhập khối Comecon, VN chính thức ngả vào tay Liên Xô bằng hiệp ước tương trợ, VN quyết định tấn công Campuchia và giành thắng lợi nhanh chóng với quân số đứng hàng thứ 4 trên thế giới với vũ khí dư thừa và kinh nghiệm chiến đấu vượt trội. TQ chính thức coi VN là tiểu bá, là mối nguy hiểm vì là tay sai cho LX, cần phải dạy cho VN 1 bài học. Ngày 17-2-1979, TQ tấn công VN trong 1 chiến dịch chớp nhoáng trong vòng 1 tháng, TQ gọi là tấn công phòng vệ. Năm 1988, TQ chiếm 1 số đảo thuộc Trường Sa trong khi quân LX vẫn đang đóng tại Cam Ranh. VN cực lực phản đối nhưng không đủ sức lấy lại.

Sau khi đánh bại Khmer đỏ, VN dựng lên 1 chính quyền thân VN, do các các đảng viên Khmer đỏ cũ bị Pol Pot thanh trừng phải trốn sang VN trong đó Heng Samrin làm chủ tịch, Hun Sen là ủy viên thường vụ đảng Nhân dân cách mạng (tên đảng cũ do VN thành lập hộ năm 51). Heng Samrin ký hiệp ước công nhận sự hiện diện của quân đội VN ở Cam. Campuchia lại trở lại nằm dưới sự "bảo hộ" của VN.

VN sa lầy tại Campuchia 10 năm, TQ, ASEAN và phương Tây không ủng hộ và cấm vận. TQ tuy rút quân khỏi VN sau 1 tháng nhưng vẫn liên tục gây hấn tại biên giới. Khmer đỏ tuy phải rút vào rừng đánh du kích nhưng vẫn được Thái Lan và TQ viện trợ nên vẫn liên tục quấy phá chính quyền mới và bộ đội VN. VN phải gánh vác chiến tranh tại 2 đầu đất nước trong khi Liên Xô và các nước Đông Âu càng ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế.

Năm 89-91 CS Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, VN mất chỗ dựa trong khi cũng đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng cộng thêm bị cấm vận nên quyết định rút quân khỏi Campuchia năm 1989 sau 10 năm đóng quân và bình thường hóa quan hệ với TQ vào năm 1991.

Năm 1993 tổng tuyển cử do LHQ giám sát lập nên chính quyền đa thành phần, Hun Sen làm đồng thủ tướng, nhưng không có Khmer đỏ. Campuchia thoát khỏi sự bảo hộ của VN.

Năm 1998, Pol Pot chết, Khmer đỏ không được viện trợ nữa nên tan rã. Sau 1 thời gian hỗn loạn vô chính phủ, đảng Nhân dân cách mạng giành lại được quyền lực, tất nhiên không tuyệt đối như trước.

VN bây giờ vẫn trong vòng ảnh hưởng của TQ và Campuchia đang dần thoát khỏi sự ảnh hưởng bởi VN. Thủ tướng Hun Sen ngày càng lộ rõ dã tâm độc tài dưới cả vỏ dân chủ khi chèn ép đối lập và công khai nâng đỡ 2 con trai lên các chức vụ trọng yếu trong quân đội.

Dương Quốc Chính, stt FB
Chia sẻ:
Post a Comment