Sunday, July 30, 2017

Vài nhận định về nền kinh tế VNCH


Phần 1:

1. Tổng quan về kinh tế VNCH

Viết về chế độ cũ là đề tài rất nhạy cảm mà thường sách báo chính thống bây giờ rất khó để có thể viết hoàn toàn khách quan do sức ép của việc được xuất bản. Vì thế, khi mình tham khảo sách báo của chế độ mới thì cũng phải gạn đục khơi trong, tự lọc những thông tin thuần túy tuyên truyền, rồi so sánh với thông tin có được từ sách của VNCH để chọn ra điểm trùng khớp, tạm cho là sự thật. Điều làm mình thấy nể nhất là trí thức, thậm chí cả quan chức VNCH, họ được quyền viết 1 cách khách quan, khoa học, được đả phá những cái sai về đường lối chính sách của chính quyền mà họ đang phục vụ. Điều này chứng tỏ VNCH có được sự tự do, khai phóng trong giáo dục và xuất bản. Điều này không thể có ở chế độ CS.

Kinh tế VNCH được chia làm 5 giai đoạn: 55-60, 61-64, 65-67, 68-72, 73-75. Phân chia như vậy là do mỗi giai đoạn đều có những biến cố về chính trị, mà chính trị thì ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Thường sách báo CS mà không chuyên sâu sẽ cố tình trộn tất vào nhau để phán chung chung, như thế không chính xác.

Giai đoạn 55-60 là giai đoạn hoàng kim của VNCH, có tài liệu tính luôn cả năm 54 vào, cũng không sao, nhưng vì năm 55 mới có VNCH nên mình chỉ lấy mốc 1955. Đó là vì đây là 5 năm hòa bình của miền Nam, ông Diệm rất có uy tín trong nước và quốc tế, được các nước đồng minh ủng hộ. Tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế là khoảng 5%, giá cả tăng không đáng kể, ngân sách quốc gia được quân bình.

Giai đoạn 61-64, với cái mốc thành lập MTDTGPMNVN nên chiến sự gia tăng, thì không có nền kinh tế nào chịu nổi. Xây cái cầu có khi mất 3 năm, nhưng để đánh sập nó chỉ cần 3 người với dăm chục cân thuốc nổ. Năm 61, 63 có 2 cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của anh em ông Diệm. Lẽ ra VNCH đã có thể sụp đổ vào giai đoạn này, nếu không có quân đội Mỹ can thiệp. Ngân sách bắt đầu bị thiếu hụt, từ 1 tỷ đồng vào năm 61 thành 12 tỷ vào năm 64. Khối tiền tệ tăng 10 tỷ vào mấy năm này, tốc độ tăng trưởng còn 2,2%, giá cả tăng 4%/năm. Giai đoạn này chính trị bất ổn nhất với đảo chính liên miên khiến kinh tế suy sụp.

Giai đoạn 65-67, đây là giai đoạn có sự gia tăng đột biến của quân đội Mỹ và đồng minh. Sự gia tăng quân đội nước ngoài khiến mãi lực tăng đột biến, vì vài trăm ngàn quân nước ngoài đều có mức chi tiêu trên trung bình so với người Việt. Sự gia tăng chi phí quốc phòng cũng khiến ngân sách thâm hụt. Từ 29 tỷ năm 65 thành 42 tỷ năm 67. Khối tiền tệ gia tăng 55 tỷ, tức mỗi năm tăng 68%. Giá cả tăng trung bình 62%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng chỉ 3,9%.

Giai đoạn 68-72, đây là giai đoạn chiến tranh ác liệt với cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân và VNCH có được nền đệ nhị CH, chính trị đi vào ổn định. Nhưng kể từ đây, quân đội Mỹ và đồng minh lại bắt đầu rút, khiến mãi lực ngoại quốc lại sụt giảm đột ngột trong khi chiến sự không giảm. Quân đội Mỹ đang từ khoảng 500ng vào năm 69 mà đến năm 73 thì rút sạch, chỉ còn lại nhân viên dân sự chưa tới 1/10 số lượng, khiến mãi lực từ trên mây rơi xuống đất. Quân đội VNCH phải gia tăng quân số và trang bị để thế chỗ cho quân đồng minh, khiến cho ngân sách càng thâm hụt nặng nề để gia tăng quân phí và khắc phục hậu quả chiến tranh (Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa 72). Thâm hụt ngân sách lên đến 195 tỷ trong vòng 3 năm. Khối tiền tệ tăng lên 81 tỷ, tức 33% mỗi năm. Vật giá gia tăng trung bình 39%/năm. Tổng sản lượng quốc gia tăng trung bình có 0,8%/năm!

Giai đoạn 73-75 thì tư liệu từ sách trước 75 mình không có đầy đủ, có thể vì chưa kịp xuất bản sách thì chế độ đã sụp rồi. Nhưng thực tế là kinh tế VNCH trở nên bi đát nhất trong lịch sử vì bị QH Mỹ cắt giảm đột ngột viện trợ sau HĐ Paris. Chế độ VNCH như chiếc xe tăng bị hết xăng, hết đạn trở nên vô dụng. Việc cắt giảm viện trợ đột ngột khiến nền kinh tế không kịp trở tay.

(Hết Phần 1)

Phần 2:

2. Cơ cấu nền kinh tế và sự mất cân bằng ngân sách

VNCH là nền kinh tế tiêu thụ, sản xuất luôn thấp hơn mức tiêu thụ. Với mỗi nền kinh tế sẽ thường kết hợp bởi 3 ngành chính là: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Về mặt nhân lực thì nông nghiệp chiếm 66%, công nghệ là 6% và dịch vụ là 28%.

Nhưng xét theo sự đóng góp vào vào tổng sản phẩm quốc nội thì dịch vụ lại cao nhất, khoảng 52-55%, trong những năm 60-64 và 56-60% trong thời gian tiếp theo. Đây là tỷ lệ quá cao đối với 1 QG chậm tiến.

Tỷ lệ này vượt các mức trung bình và xấp xỉ ở các nước phát triển như Mỹ (60%), Anh (50%), vào thời kỳ đó.

Trong khi đó, ngành công nghiệp chỉ chiếm nhân lực vào khoảng 1/10 nhân công nông nghiệp. Trong tổng SP quốc nội thì công nghiệp đóng góp 12%, nông nghiệp là 33%. Tỷ lệ về công nghiệp như vậy là quá thấp so với các nước đang phát triển khác như Đài Loan (31%), Đại Hàn (26%), Phil (23%). Trong ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến, lắp ráp là phát triển hơn, để phục vụ ngành dịch vụ là chính, công nghiệp nặng gần như không có. Công nghiệp khai khoáng ít phát triển, dầu mỏ được tìm ra vào khoảng năm 74, chưa kịp khai thác.

Như mình đã viết về Ấn Độ, Ấn Độ cũng có sự phát triển mất cân bằng kiểu này. Thông thường, từ 1 nước chậm tiến lên 1 nước phát triển thì quy trình chuyển đổi nhân lực là từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi sang dịch vụ. Do đó, thường chỉ các nước phát triển thì dịch vụ mới phát triển nhất.

Cơ cấu quái dị này có hậu quả là dịch vụ là ngành chiếm thiểu số về nhân công (28%) nhưng lại đóng góp quá nửa cho tổng sản phẩm quốc nội, nông nghiệp và công nghiệp rất ít phát triển trong khi nông nghiệp chiếm 66% nhân lực. Như vậy có thể thấy là sự phân biệt giàu nghèo trong dịch vụ và nông nghiệp. Trong stt về Ấn Độ, mình đã so sánh TQ và Ấn Độ. TQ phát triển công nghiệp lắp ráp, mà ngành đó cần nhiều nhân lực, trong khi Ấn Độ phát triển dịch vụ mà ngành đó lại ít nhân lực. Do đó mà TQ tận dụng được nhiều nhân lực hơn, giảm thất nghiệp và giảm đói nghèo tốt hơn Ấn Độ.

Sự phát triển lệch lạc này là có lý do dễ hiểu. Dịch vụ phát triển là để phục vụ sức mua rất mạnh từ mấy trăm ngàn quân Mỹ và dịch vụ thì không nhập khẩu được. Trong khi công nghiệp và nông sản lại dễ dàng nhập khẩu nên bị bỏ qua, không được đầu tư phát triển.

Nông nghiệp VNCH giai đoạn 55-60 phát triển rất tốt, tỷ lệ đóng góp vào TSPQG tăng từ 24,4 lên 34,2% (1960), nhưng sau đó thì đứng yên tại chỗ.

Nông nghiệp không thể phát triển được vì vùng nông thôn rất bất an do VC kiểm soát nhiều, nông dân phải chạy về các đô thị và tham gia vào ngành dịch vụ thiếu tri thức.

Cả 3 ngành kinh tế đều bị quân đội hút mất nhân sự. VNCH có tỷ lệ quân nhân (tính cả cảnh sát)/dân số là khoảng 1/12, thuộc loại lớn nhất thế giới.

Về ngoại thương, VNCH luôn có mức nhập siêu. Xuất khẩu giảm 2/3 trong 15 năm chiến tranh, nhập khẩu lại tăng gấp 3 lần, vì có nhiều viện trợ.

Thành phần nhập khẩu nói lên bộ mặt nền kinh tế tiêu dùng và dịch vụ. VNCH nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, rất ít trang thiết bị phục vụ sản xuất (chiếm có 15%). Ví dụ điển hình là xe ô tô và xe honda (xe máy) được nhập khẩu ồ ạt vào các năm 66-69. Trong giai đoạn 64-69 số xe ô tô nhập khẩu đã bằng 80% lượng xe của 10 năm trước. Số xe máy năm 66 nhiều gấp 5 lần năm 63. Đó là lý do tại sao SG lại tràn ngập ô tô, xe máy. Đó là để phục vụ ngành dịch vụ phát triển mạnh và do cư dân đô thị (sống bằng dịch vụ là chính) giàu lên nhanh chóng.

Về ngân sách quốc gia, do mất quân bình cán cân thu chi, số thiếu hụt trong các năm 60-70 là 338,5 tỷ đồng. Để bù đắp vào thiếu hụt này, VNCH cần 2 nguồn tài trợ là viện trợ của Mỹ và ứng trước của ngân hàng QG. Riêng đóng góp cho ngoại viện là 174 tỷ, giai đoạn 55-60 chỉ có 29 tỷ nhưng giai đoạn 60-70 cần 145 tỷ. Phần ứng trước của ngân hàng QG là 139 tỷ (62-70).

Viện trợ nhiều cũng dẫn đến đặc quyền đặc lợi, nhóm lợi ích, tham nhũng giống hệt như ở các chính phủ cánh tả, do có những công chức được ban phát bổng lộc, ngân sách. Như trong stt trước mình đã viết, VNCH giàu có nhờ viện trợ là giàu từ trên xuống nên dễ sinh ra độc tài, tham nhũng và thiếu bền vững.

Tổng thu ngân sách VNCH chỉ chiếm 50% tổng chi. Chi tiêu cho phát triển chỉ chiếm 7-11%, còn lại là chi phí không phát triển, trong đó chi lương chiếm 80%. Chi phí cho quốc phòng giai đoạn 55-60 chỉ 45% tổng ngân sách, khi chiến tranh leo thang thì tỷ lệ này lên đến 66%.

Nền kinh tế VNCH phụ thuộc vào viện trợ, trong đó Mỹ chiếm 95%. Có viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các chi phí quân sự và dân sự (cố vấn) nước ngoài tại VNCH.

Lượng cố vấn Mỹ quá đông cũng gây nên nhiều hệ lụy. Không phải cố vấn nào cũng giỏi, nhưng họ lại áp đặt cho công chức và quân nhân VNCH khiến cho giới công chức, quân nhân trở nên bị động, phụ thuộc. Nhiều chính sách do Mỹ cố vấn không phù hợp với VN.

3. Kết luận

Như vậy, có thể thấy kinh tế VNCH có rất nhiều khiếm khuyết mà đa số là do chiến tranh mà ra. Nói chung, đây là nền kinh tế tiêu thụ để phục vụ bộ máy chiến tranh là chính, rất ít để dành cho phát triển. Đa số người dân miền Nam chỉ nhìn thấy bề nổi của nền kinh tế mà không tìm hiểu sâu về kinh tế vĩ mô, do đó họ chỉ nhìn thấy sự phồn vinh giống hệt các nước phát triển ở ngành dịch vụ. Mà dịch vụ phát triển là bộ mặt của các QG phát triển, do đó dễ lầm tưởng là VNCH cũng phát triển tương đương.

Điều này giống như 1 thanh niên dân chơi có tiền thì đầu tư cho xe cộ, đi bar, ăn tiêu xả láng, người ngoài nhìn vào lại tưởng cậu đó rất giàu có, thực ra đều là tiền của bố mẹ cho.

Tất cả những thứ mình viết ở đây đều thuộc về kinh tế vĩ mô, không sa vào các chi tiết về các thương hiệu uy tín của tư nhân hay người Hoa... Những chi tiết đó cũng chỉ là những đốm sáng le lói không nói lên bộ mặt tổng thể của nền kinh tế quốc gia.

VNCH đã có nền kinh tế tự do, ảnh hưởng Mỹ nhiều, nên nó là nền tảng tốt cho sự phát triển nếu có hòa bình. Nhưng đáng tiếc là khi hòa bình lập lại, nền kinh tế tự do phôi thai đã bị kinh tế kế hoạch bóp chết. Theo cuốn Bên thắng cuộc thì ông Nguyễn Văn Linh đã đề xuất để miền Nam được giữ nguyên nền kinh tế tự do như nó đang có, sau 75, nhưng bị TƯ từ chối. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Dương Quốc Chính
Chia sẻ:
Post a Comment