Quản lý rượu thời Pháp thuộc
7:28 PM
Lịch sử Pháp thuộc

Tối nay mình xem VTV thấy cảnh báo về rượu giả tràn lan làm chết khối dân quê. Rượu giả đặc biệt phổ biến ở các vùng quê và vỉa hè, bản chất là người dân uống cồn trộn nước lã. Rượu Tây thì giả kiểu Tây, rượu ta giả kiểu ta, rượu ngâm thuốc cũng giả, hình như có rượu vang là chưa giả? Chính quyền bây giờ đang bất lực với nạn rượu giả, nói chung là bất lực với mọi thứ làm giả, báo chí cứ kêu gào vậy thôi, mấy năm nay rồi. Như thế là thua thực dân Pháp.
Thời Pháp thuộc, người Pháp quản lý rất chặt việc nấu rượu và buôn bán rượu. Ban đầu, họ độc quyền nấu rượu bằng cách xây nhà máy rượu Bình Tây ở Chợ Lớn và nhà máy rượu HN ở HN. Sau thấy việc này không đủ đáp ứng nhu cầu, giá lại quá cao và làm thất thu thuế nấu rượu, nên chính quyền thuộc địa cấp phép cho dân nấu rượu.
Dân nấu rượu phải đăng ký phương pháp nấu và nguyên liệu dùng để nấu rượu cho Sở Đoan (thuế - quản lý thị trường). Cửa ở kho chứa rượu và nguyên liệu phải có 2 chìa khóa, 1 cái cấp cho Sở Đoan, để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Nếu bị phát hiện có sai khác so với đăng ký thì chủ cơ sở sẽ bị phạt tiền rất nặng. Ở cơ sở sản xuất phải có máy đo độ rượu, độ rượu ban đầu được cấp phép là không được dưới 30 độ, sau tăng lên 36 độ, trừ rượu vang.
Việc bán rượu và vận chuyển rượu cũng phải được cấp phép, chắc giống vận chuyển gỗ bây giờ. Trong giấy phép ghi rõ dung tích, nồng độ, tên cơ sở, nơi đi, nơi đến, thời gian vận chuyển...Mỗi khi vận chuyển đều phải có xác nhận của cơ quan công quyền ở nơi đi và nơi đến, nếu không thì sẽ bị quy là rượu lậu.
Nếu rượu bị phát hiện cho chất nguy hại cho sức khỏe sẽ bị tịch thu và tiêu hủy. Người sản xuất sẽ bị phạt từ 15 ngày đến 3 năm tù và phạt tiền từ 100-300$. Ai bỏ các chất khác vào rượu để làm tăng nồng độ cũng bị phạt tương tự. Ai sản xuất rượu mà không có giấy phép cũng bị phạt như vậy.
Bán rượu không phép cũng bị phạt từ 10-50$, phạt tù từ 8 ngày đến 1 năm. Ai mang theo người trên 2l rượu không rõ nguồn gốc cũng bị phạt tiền từ 10-100$ và phạt tù từ 8 ngày đến 1 năm.
Nhân viên Sở Đoan và Công quản được phép kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu bất kể giờ nào mà cơ sở còn hoạt động. Sản xuất rượu ngoài giờ khai báo cũng bị phạt tiền. Mọi sự phản đối việc kiểm tra đều bị coi là từ chối công vụ và sẽ bị truy tố và phạt tiền, tịch thu tang vật. Nhân viên Sở Đoan có quyền lùng sục để bắt rượu lậu, mọi hành vi chống đối đều bị nghiêm trị. Thế nên trong nhiều truyện thời Pháp thuộc có nói đến tình trạng dân muốn vu vạ cho ai thì đem chôn rượu lậu trong vườn nhà người đó rồi báo Sở Đoan, không khác gì cách ném ma túy vào nhà bây giờ.
Giá rượu do chính quyền kiểm soát căn cứ trên giá nguyên liệu, chỉ dao động trong 1 biên độ nhất định và phải được niêm yết.
Tuy có sự che chở của chính quyền và nấu rượu với công nghệ cao hơn nhưng rượu nhà nước vẫn không cạnh tranh được với rượu của người Hoa, do rượu nhà nước có mùi cồn nhiều hơn.
Sách báo cách mạng vẫn bảo là thực dân Pháp khuyến khích dân uống rượu để đầu độc dân ta, chúng tạo điều kiện cho dân ta uống rượu để say xỉn suốt ngày, quên đi mối thù mất nước, lại kiếm được tiền thuế. Bọn thực dân thời nào cũng thật là gian ác.
Ảnh dưới là nhà máy rượu Bình Tây.
Dương Quốc Chính, stt FB