Monday, January 11, 2016

Các chính thể ở Việt Nam thời hiện đại - Lược sử lập hiến Việt Nam

Năm nay báo chí cách mạng rầm rộ kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946) bầu Quốc hội lập hiến nước VNDCCH. Nhưng, với tinh thần không phân biệt sử “phản động” và sử “chính thống”, chúng ta cần biết năm nay cũng kỷ niệm 60 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên ở miền Nam để bầu Quốc hội lập hiến của Quốc gia Việt Nam (4-3-1956) để ra đời nước VNCH (đệ nhất cộng hòa) và 50 năm ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến VNCH (11-9-1966) để ra đời chế độ đệ nhị cộng hòa. Đây là 3 cột mốc quan trọng trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam. Nói về các lần tổng tuyển cử này có lẽ cũng cần kể thêm về những chính thể tiền thân, phôi thai ra chính quyền kể trên.

Sau khi đảo chính Pháp, Nhật khuyến khích vua Bảo Đại tuyên bố độc lập để thành lập chính phủ của người Việt với quốc hiệu là Đế quốc VN. Ngày 17-4, chính phủ được thành lập với thủ tướng là Trần Trọng Kim. Chính thể này không còn là phong kiến thuần túy (do có chính phủ và thủ tướng) những cũng chưa phải là quân chủ lập hiến vì chưa hoàn toàn được hưởng nền độc lập, vẫn nằm trong Khối đại đông Á của đế quốc Nhật và chưa có hiến pháp. Chính phủ chưa có bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, các lĩnh vực đó vẫn do người Nhật quản lý. Chính phủ vừa lập pháp vừa hành pháp, chưa có quốc hội, đã có ban soạn thảo hiến pháp nhưng chưa kịp soạn xong, chỉ tồn tại được 4 tháng do cách mạng tháng 8 nổ ra. Chính phủ từ chức ngày 23-8, sau đó 2 ngày thì vua Bảo Đại thoái vị, chính thức cáo chung chế độ phong kiến ở VN.

Ngày 2-9, ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH và làm chủ tịch lâm thời. Để tạo nên tính chính danh, chính phủ lâm thời tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến. Ngày 6-1, tổng tuyển cử diễn ra, bầu được 333 đại biểu dân cử và 70 đại biểu không cần qua bầu cử do Việt Minh thỏa thuận với 2 đảng Việt Quốc và Việt Cách trước đó. Kỳ họp thứ nhất bầu được Chính phủ liên hiệp kháng chiến do ông HCM làm chủ tịch. Kỳ họp thứ 2 chỉ còn 291 đại biểu, trong đó có 37/70 ghế đối lập, do có tranh chấp giữa Việt Minh và các đảng phái đối lập kể trên nên 1 số đại biểu QH đã “biến mất”. Kỳ họp này đã thông qua Hiến pháp do CP lâm thời đề xuất, nhưng HP này chưa kịp công bố và sử dụng do chiến tranh Việt - Pháp nổ ra. QH khóa 1 tồn tại đến năm 1960 do chiến tranh và chờ đợi 1 cuộc tổng tuyển cử toàn quốc sau HĐ Geneva. HP 1946 là bản hiến pháp khá sơ sài nhưng có nhiều tiến bộ so với các bản sau này của VNDCCH lẫn CHXHCNVN. Thực tế cho thấy HP 1946 có nhiều điểm ưu việt so với các bản HP sau này, nhưng đã không được tôn trọng, điển hình là:

Điều thứ 7
Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình.

Điều thứ 10
Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

Điều thứ 11
Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam.
Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.

Điều thứ 12
Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm..

Điều thứ 17
Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín.

Điều thứ 51
Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử.
Việc bắt bớ và truy tố trước Toà án một nhân viên Nội các về thường tội phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ.

Điều thứ 54
Bộ trưởng nào không được Nghị viên tín nhiệm thì phải từ chức.
Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng.

Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viện nêu vấn đề ấy ra.

Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức.

Điều thứ 69
Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.



Đại biểu QH khóa 1 VNDCCH

Chính phủ VNDCCH ban đầu, là 1 chính phủ đa thành phần duy nhất trong lịch sử của chế độ CS ở VN, có cả người ngoài đảng, quan lại cũ, cùng các đảng đối lập như Việt Quốc, Việt Cách, lãnh tụ các đảng này có tham gia chính quyền như các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần...Sau này, khi chiến tranh nổ ra thì thành phần đối lập với phe CS không còn 1 ai do xung đột quan điểm dẫn đến đổ máu. Chính quyền VNDCCH từ khi thành lập cho đến năm 49 thì chưa được 1 nước nào công nhận. Đến khi nước TQ cộng sản được thành lập thì TQ bắt đầu công nhận VNDCCH, sau đó là Liên Xô và các nước XHCN khác. Chính quyền VNDCCH nỗ lực chống lại thực dân Pháp với sự hỗ trợ của TQ, LX, đã giành được chiến thắng ĐBP để đi đến ký kết HĐ Geneva chia đôi đất nước. Có thể nói, với những lý do kể trên, thì Quốc hội và HP trong giai đoạn 45-60 chỉ có ý nghĩa tinh thần. Mọi việc đều do đảng CS (có thể dưới tên gọi và hình thức khác) và chính phủ kiểm soát hết.

Tuy vậy, chính quyền VNDCCH không phải là chính thể duy nhất ở VN trong thời gian này. Khi hội nghị Fontainebleau giữa VNDCCH và Pháp chuẩn bị diễn ra thì một số chính khách Nam Kỳ, được sự hậu thuẫn của Cao ủy (tương đương chức Toàn quyền Đông Dương trước 45) Pháp d'Argenlieu đã tuyên bố thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (27-5-1946), thuộc Liên bang Đông Dương. Chính thể này chỉ được Pháp công nhận và không được coi là 1 quốc gia đầy đủ vì chỉ có thủ tướng, chính phủ nhưng không có nghị viện, hiến pháp cũng như nguyên thủ quốc gia (tổng thống, chủ tịch nước hay vua), không độc lập hoàn toàn. Cộng hòa Nam Kỳ tồn tại đến năm 1948 để nhường chỗ cho 1 quốc gia khác có lãnh thổ, trên lý thuyết, là toàn bộ nước VN, được người Pháp chấp nhận.

Trong thời gian đầu khi mới quay trở lại Đông Dương thì người Pháp chấp nhận chính quyền VNDCCH, đã đàm phán được hiệp định Sơ bộ nhưng do bất đồng quan điểm nên dẫn đến chiến tranh, người Pháp không chấp nhận chính quyền VNDCCH nữa. Sau năm 45, người Pháp không còn muốn trực trị tại Đông Dương như trước 45, họ muốn có chính quyền của người Việt và Đông Dương nằm trong khối Liên hiệp Pháp, tương tự như người Anh đã làm với khối thịnh vượng chung của Anh. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải có 1 chính quyền có chính danh với 1 nguyên thủ đủ uy tín, tập hợp được nhân tâm của nhiều người (tất nhiên là không CS), đó là giải pháp Bảo Đại. Phe quốc gia, đối lập với CS, tự nguyện đoàn kết đứng dưới cựu hoàng Bảo Đại, hòa hoãn với Pháp để chống lại VNDCCH. Bảo Đại sau khoảng 1 năm đấu tranh, mặc cả với Pháp về 1 nước VN mới, cuối cùng cũng đi đến kết quả vào ngày 8-3-1949. Pháp ký với Bảo Đại hiệp ước Elysee, công nhận Quốc gia VN là 1 nước độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm cả 3 kỳ). Pháp chuyển giao dần cho QG VN các chức năng như tài chính, hải quan, ngoại giao, quốc phòng. QGVN dần dần đi đến 1 quốc gia đầy đủ, đến tháng đầu năm 1950 thì được 35 nước công nhận. Công bằng mà nói, Quốc gia VN đã đàm phán thành công với Pháp về quyền độc lập, tự chủ thì 1 phần dựa vào sức ép của VNDCCH trong chiến tranh Pháp - Việt. Người Pháp cần nhanh chóng có 1 chính quyền khác đủ uy tín để thay thế VNDCCH. Đến trước khi ký HĐ Geneva thì QGVN được Pháp công nhận độc lập hoàn toàn.

Quốc gia VN là 1 chính thể không phải cộng hòa, cũng không phải quân chủ lập hiến. QG này chưa có hiến pháp, chỉ có chính phủ, đứng đầu là thủ tướng và nguyên thủ là quốc trưởng Bảo Đại. Chính phủ vừa hành pháp vừa lập pháp nhưng phải được quốc trưởng phê duyệt, quốc trưởng có quyền chỉ định và truất phế thủ tướng cùng chính phủ.

Ngày 7-7-1954, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm là thủ tướng QG VN và ủy quyền điều hành đất nước cho ông Diệm, Bảo Đại vẫn ở lại Pháp. Hiệp định Geneva diễn ra với QGVN và VNDCCH là 2 đại diện cho VN tham gia nhưng phía QGVN không ký hiệp định. Tuy nhiên, QGVN chấp nhận chỉ quản lý lãnh thổ VN từ vĩ tuyến 17 trở vào cho dù cả 2 chính quyền VN đều tuyên bố chủ quyền là toàn bộ nước VN. VNDCCH quản lý phía bắc vĩ tuyến 17.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm được ủy quyền điều hành đất nước nên đã dẹp yên các phe phái chống đối ở miền Nam, trong đó có phe thân Pháp của tướng Nguyễn Văn Hinh (là tổng tham mưu trưởng quân đội QGVN). Tướng Hinh đã có ý định lật đổ ông Diệm, Bảo Đại thì đòi Diệm sang Pháp (có ý định phế truất). Trong tình thế đó, ông Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tại miền Nam, kết quả là đa số phiếu ủng hộ phế truất Bảo Đại, suy tôn Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng QGVN.

Ông Diệm cho soạn thảo hiến pháp và chuẩn bị bầu cử Quốc hội lập hiến. Ngày 4-3-1956 tổ chức bầu cử, tháng 7-1956 thì hiến pháp được QH phê chuẩn, 26-10-1956 được Tổng thống phê chuẩn và ban hành, đó cũng là ngày quốc khánh nước VNCH (đệ nhất cộng hòa). VNCH là 1 chính thể tam quyền phân lập, có lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó, theo hiến pháp thì tổng thống có quyền lực mạnh hơn cả, tư pháp yếu hơn cả. Hiến pháp 1956 đã rất chi tiết, không sơ sài như HP 1946, có 1 vài điểm đáng chú ý như sau, đây là những điều mà HP ngày nay còn đang chưa có:
Điều 20 – Quốc gia công nhận và bảo đảm quyền tư hữu. Luật pháp ấn định thể thức thủ đắc và hưởng thụ để ai ai cũng có thể trở thành sở hữu chủ và để bảo đảm cho con người đời sống xứng đáng và tự do, đồng thời xây dựng nền thịnh vượng xã hội.
Trong những trường hợp luật định và với điều kiện có bồi thường, Quốc gia có thể trưng thu tài sản vì công ích.

Điều 30 – Tổng thống được bầu theo lối đầu phiếu phổ thông trực tiếp và kín, trong một cuộc tuyển cử mà cử tri toàn quốc được tham gia. Một đạo luật sẽ quy định thể thức bầu cử Tổng thống.
Phó Tổng thống được bầu một lần với Tổng thống chung một danh sách.

Điều 40 – Với sự thỏa thuận của Quốc hội, Tổng thống có thể tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý phải được Tổng thống và Quốc hội tôn trọng.

Điều 53 – Nhiệm vụ Dân biểu không thể kiêm nhiệm với một công vụ được trả lương hay một nhiệm vụ dân cử khác. Công chức đắc cử phải nghỉ giả hạn, Quân nhân đắc cử phải giải ngũ.
Nhiệm vụ Dân biểu không thể kiêm nhiệm với những chức vụ Bộ trưởng và Thứ trưởng.
Tuy nhiên, Dân biểu có thể đảm nhận những công vụ đặc biệt liên tục không quá (12) mười hai tháng và thời gian đảm nhận công vụ tổng cộng không quá nửa thời kỳ pháp nhiệm. Trong thời gian đảm nhận công vụ, Dân biểu không có quyền thảo luận và biểu quyết tại Quốc hội hoặc tại các Ủy ban của Quốc hội.
Dân biểu có thể phụ trách giảng huấn tại các trường cấp bậc đại học và kĩ thuật cao đẳng.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Dân biểu không thể tham dự những cuộc đấu thầu hoặc kí hợp đồng với các cơ quan chính quyền.

Điều 70 – Để thi hành nhiệm vụ ấn định ở điều 4. Tư pháp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng của mọi người trước pháp luật và nguyên tắc độc lập của Thẩm phán xử án.

Điều 71 – Thẩm phán xử án quyết định theo lương tâm mình, trong sự tôn trọng luật pháp và quyền lợi Quốc gia.

Điều 74 – Đặc biệt Pháp viện là một Tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử Tổng thống, Phó Tổng thống, Chánh án và Chủ tịch Viện Bảo hiến, trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội.


Bầu cử QH 1956

Đệ nhất cộng hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm kết thúc ngày 1-11-1963 khi ông Diệm bị quân đội đảo chính, hiến pháp 1956 bị phế bỏ, thay vào đó là các bản hiến chương tạm thời. Từ đó đến năm 1967 là thời kỳ quân quản tại VNCH. Phe quân nhân giám sát sự hoạt động của chính phủ cũng như Quốc trưởng hoặc trực tiếp điều hành đất nước dưới những cái tên: Hội đồng quân nhân cách mạng, Hội đồng quân lực, Ủy ban hành pháp quốc gia (chính phủ), Ủy ban lãnh đạo quốc gia (tổng thống). Thời gian này có 2 sự kiện đáng lưu ý, 1 là tướng Nguyễn Khánh sau khi “chỉnh lý” phe quân nhân thì đòi ban hành hiến chương Vũng Tàu, hiến chương này cho phép ông ta vừa làm thủ tướng lẫn quốc trưởng trọn đời, tức là biến VNCH thành nước độc tài quân phiệt. Nhân dân và phe quân nhân không chấp nhận, Nguyễn Khánh phải từ chức và ra nước ngoài làm đại sứ lưu động. Hai là, vì thời gian này chính trị quá bất ổn, đảo chính liên miên, mặt trận DTGPMNVN (thành lập năm 61) lại hoạt động mạnh nên quân Mỹ chính thức tham chiến dưới sự chấp thuận của thủ tướng Phan Huy Quát.

Kể từ năm 65, tướng Nguyễn văn Thiệu làm chủ tịch UB lãnh đạo QG, tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch UB hành pháp QG. Năm 1966, 2 ông cho tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội lập hiến (11-9-1966), ban hành hiến pháp mới vào năm 1967 và bầu cử tổng thống, khai sinh ra nền cộng hòa đệ nhị, tổng thống là Nguyễn văn Thiệu, phó tổng thống là Nguyễn Cao Kỳ. Hiến pháp này có 1 số điểm đáng lưu ý ngoài những điểm đã nêu hoặc phát triển từ HP 1956:

ĐIỀU 3
Ba cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự Do, Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội.

ĐIỀU 4
1- Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức

2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ.

ĐIỀU 23
1- Quân Nhân đắc cử vào các chức vụ dân cử, hay tham chánh tại cấp bậc trung ương phải được giải ngũ hay nghỉ giả hạn không lương, tùy theo sự lựa chọn của đương sự.
2- Quân Nhân tại ngũ không được sinh hoạt đảng phái.

ĐIỀU 30
Quyền Lập Pháp được quốc dân ủy nhiệm cho Quốc Hội.
Quốc Hội gồm hai viện :
- Hạ Nghị Viện
- Thượng Nghị Viện

ĐIỀU 52
1- Tổng Thống và Phó Tổng Thống cùng đứng chung một liên danh, được cử tri toàn quốc bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín.
2- Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống là bốn (4) năm. Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thể được tái cử một lần.
3- Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống chấm dứt đúng mười hai (12) giờ trưa ngày cuối cùng tháng thứ bốn mươi tám (48) kể từ ngày nhậm chức và nhiệm kỳ của tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống bắt đầu từ lúc ấy.
4- Cuộc bầu cử tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống được tổ chức vào ngày chúa nhật bốn (4) tuần lễ trước khi nhiệm kỳ của Tổng Thống tại chức chấm dứt.

Không có điều khoản nào quy định về ứng viên dân biểu hay tổng thống phải thuộc đảng phái nào.


Kết quả bầu cử QH VNCH 1966

Hiến pháp này tương đối giống với HP Mỹ. Thể thức bầu cử cũng gần giống, cũng có lưỡng viện, nhưng khác cơ bản là vẫn có thủ tướng và phổ thông đầu phiếu chứ không qua đại cử tri. Khác biệt cơ bản với HP 1956 là giảm bớt quyền lực của tổng thống, tăng quyền giám sát cho QH lưỡng viện. Về chính quyền địa phương thì kể từ năm 1960, có thể do chiến tranh, nên các tỉnh trưởng, quận trưởng đều là các quân nhân, do tổng thống chỉ định, cấp xã thì do dân bầu trực tiếp. Có thể hiểu chính quyền VNCH là chính quyền bán quân sự, các tổng trưởng (ngoài Tổng nha CSQG và Quốc phòng) cũng nhiều người là quân nhân. Tổng thống, phó tổng thống và thủ tướng thì đã từng là quân nhân giải ngũ. Nhiều người nghĩ là ông Thiệu, ông Kỳ, ông Trần Thiện Khiêm vẫn là tướng khi lãnh đạo quốc gia, thực ra không phải.

Trong khuôn khổ bài viết về lịch sử nên mình không phân tích và so sánh kỹ các bản HP này, chỉ nêu 1 số điểm khác biệt dễ thấy, đặc trưng của mỗi chế độ. Năm 1971, VNCH tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần thứ 2, ông Thiệu tái đắc cử. Chính quyền này tồn tại đến ngày tháng 4-1975, ông Thiệu từ chức, ông Hương là phó tổng thổng lên thay rồi lại từ chức để tướng Dương Văn Minh thay thế. VNCH cáo chung vào ngày 30-4-1975.

Trong khi đó đến năm 59, khi xác định là không thể có tổng tuyển cử toàn quốc vào năm 56 như HĐ Geneva quy định, VNDCCH đã thay đổi hiến pháp. Hiến pháp 1959 dựa trên nền tảng hiến pháp Liên Xô và các nước CS. Sau đó, vào các năm 80, 92 và 2013 có thay đổi HP nhưng cơ bản không khác biệt nhiều nên mình không nhắc lại nữa.

Năm 2013, khi sửa HP, thậm chí đến tận bây giờ nhiều đại biểu QH cũng như người dân mong muốn được bổ sung những điều mà HP VNCH đã có từ năm 1956 như quyền tư hữu về đất đai, trưng cầu dân ý, chấm dứt tình trạng đại biểu QH kiêm nhiệm công chức; tam quyền phân lập, độc đảng lãnh đạo (điều 4 HP), nhưng không thành công. Đến hôm nay (11-1-2016), Phó chủ nhiệm Văn phóng Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng vẫn còn phát biểu: 'Quan chức hành chính không nên kiêm đại biểu Quốc hội', khi phát biểu cảm nghĩ về 70 năm lập hiến của VN.

Dương Quốc Chính, note FB
Chia sẻ:
Post a Comment