Thursday, October 22, 2015

Văn hóa ở và vấn đề xã hội trong thiết kế nhà chung cư

Gần đây dư luận dậy sóng vì bài báo http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/268411/doc-nhat-vo-nhi-bua-tiec-20-10-tai-hanh-lang-chung-cu.html Sau đó là 1 loạt bài phản hồi từ báo chí và mạng xã hội, đa số là phản đối, đồng thời dẫn ra thêm những tật xấu của của cư dân các chung cư hòng biến chung cư thành làng xã. Với góc nhìn của một KTS đã từng tham gia thiết kế chung cư từ kiến trúc đến nội thất, từ loại cao cấp đến nhà ở xã hội, lại cũng đang ở nhà tập thể, tức là đã phải tiếp xúc với mọi khía cạnh của lối sống chung cư, mình thấy cần phải nói thêm về vấn đề này. Lối sống, như bài báo trên đã nêu, có tính hai mặt, chúng ta phải đánh giá dựa trên văn hóa ở của mỗi địa phương, thậm chí mỗi khu vực, mỗi nhóm cư dân, thì mới thấy được bản chất của vấn đề, tránh áp đặt lối sống của chính mình cho người khác.

Văn hóa ở, hay lối sống, phản ánh xã hội thu nhỏ nơi mà cư dân sinh sống thậm chí phản ảnh cả chế độ xã hội. Lối sống và kiến trúc, quy hoạch tác động qua lại lẫn nhau. Lối sống tạo nên cách thiết kế kiến trúc và ngược lại. Ở đây mình chỉ nói đến lối sống, văn hóa ở chung cư (hay nhà tập thể) và kiến trúc nhà chung cư, nhà tập thể, không nói đến các loại kiến trúc nhà ở khác và lối sống ở đó. Nhà chung cư, tiền thân là nhà tập thể, ở HN và miền Bắc hình thành từ những năm 1960, trong thời kỳ bùng nổ về nhu cầu nhà ở ở các đô thị, đa số chúng vẫn tồn tại đến ngày nay. Kiến trúc nhà tập thể phản ánh lối sống tập thể kiểu XHCN lúc nó hình thành, tính tập thể được đề cao, tính cá nhân bị vùi dập, gần như không còn bóng dáng. Thiết kế điển hình của nhà tập thể thời đó là có hành lang bên, cừa sổ mở ra hành lang để lấy gió và ánh sáng, đồng thời để gia tăng tính cộng đồng. Nhà tập thể thời kỳ đầu còn có WC và bếp chung, chỉ có phòng khách và phòng ngủ là riêng biệt. Giai đoạn 197x thì nhà tập thể được cải tiến 1 tý, không có WC và bếp chung nữa mà khép kín vào những căn hộ độc lập, nhưng vẫn có hành lang bên. Kiến trúc nhà tập thể như vậy khiến cho các cư dân được/bị giao lưu với nhau 1 cách cưỡng bức vì nhà ở xa cầu thang muốn ra ngoài thì phải đi qua các nhà khác và bắt buộc sẽ thấy gần hết những gì bên trong nhà họ. Nhà nào ăn món gì, mua món đồ gì mới thì hàng xóm đều biết vì mùi và hình ảnh đập vào mắt hàng xóm chứ cũng chả cần họ phải tọc mạch gì. Thế nên mới có chuyện thời bao cấp ăn thịt gà phải dùng kéo để cắt thịt, không dám chặt vì sợ hàng xóm biết lại thắc mắc! Cách thiết kế kiến trúc này hoàn toàn phù hợp với lối sống XHCN, khi mà ai cũng giống ai (nên không cần riêng tư lắm), thậm chí người ta còn có trách nhiệm phải theo dõi lẫn nhau và đa số cư dân trong 1 khu tập thể là quen biết nhau vì thường làm cùng 1 cơ quan nhà nước.


Nhà tập thể với hành lang bên

Hành lang nhà tập thể kiểu này chỉ rộng khoảng 1m2 nên chắc chắn không thể tổ chức tiệc chung ở đó nhưng thời 7x người ta phải nuôi cả lợn, gà, vịt ở chung với người, trong căn hộ tập thể thì mình tin là việc ăn uống kiểu này hoàn toàn có thể xảy ra, mỗi tội là ăn uống hàng ngày còn thiếu thì mấy khi có tiệc! So với việc nuôi chó mèo trong nhà CC bây giờ, mà nhiều cư dân cũng phản đối, thì việc nuôi lợn gà này còn mất vệ sinh, nông thôn hóa thành thị bằng vạn lần, nhưng không ai kêu cả? Đó là vì ai cũng phải thế, số đông quyết định lối sống chung của cư dân, quyết định văn hóa ở nhưng nếu KTS không thiết kế nhà tập thể kiểu hành lang bên thì cư dân cũng khó có thể có lối sống “cộng đồng” như vậy. Kiểu thiết kế đó không phải do KTS quyết định hoàn toàn mà là do chủ đầu tư, là nhà nước, quyết định, đa số học từ cách thiết kế từ Liên Xô và Đông Âu, nên không có mẫu nào khác.

Đến cuối những năm 1980, khi hết thời bao cấp, lối sống XHCN đã bắt đầu phai nhạt, tính riêng tư được đề cao, tính tập thể giảm bớt, thì ra đời những mẫu nhà tập thể kiểu block. Với kiểu thiết kế block thì hành lang bên bị cắt giảm, thậm chí biến mất hoàn toàn, mỗi căn hộ chỉ mở cửa chính ra sảnh chung, cửa sổ ít được mở ra sảnh, mỗi block chỉ có khoảng 3-5 căn hộ, đi chung 1 cầu thang bộ. Như vậy hàng xóm ít có cơ hội giao lưu với nhau hơn vì đóng cửa lại thì không nhìn thấy gì trong nhà hàng xóm nữa, mùi và âm thanh cũng khó mà bay ra. Các căn hộ cũng được mua đi bán lại, dân ngoại tỉnh nhập cư vào HN mà chả cần phải có hộ khẩu như xưa, họ đem theo lối sống làng xã ngoại tỉnh như để túi rác ngay ngoài cửa. Cư dân không còn thuần nhất là cùng cơ quan nữa mà đa dạng hơn, giàu nghèo phân biệt rõ ràng hơn. Ở nhà tập thể cũ thì thường lãnh đạo được phân ở tầng thấp, nhân viên ở tầng cao, nên đến giai đoạn này thì nhà tầng thấp thường giàu hơn nhà tầng cao và người giàu với người nghèo sẽ khó hòa đồng hơn thời bao cấp. Khi có phân hóa giàu nghèo thì lối sống cũng phân hóa, nhà giàu dùng bếp ga sẽ có xu hướng muốn chửi nhà nghèo đun bếp than tổ ong là không văn minh, ô nhiễm môi trường, cho dù chả có luật nào cấm người ta đun bếp than tổ ong cả. Với kiểu thiết kế kiến trúc này thì bắt đầu khó có cơ hội để các gia định tụ tập ăn uống ở sảnh chung hay hành lang, lối sống đô thị đã văn minh hơn, lợn gà hiếm khi còn ở cùng với người nữa, nhưng cũng chả có quy định nào cấm người ta làm điều đó! Tất cả cũng là do lối sống của số đông quyết định và kiến trúc cũng phản ánh kinh tế - xã hội.

Kể từ năm 1995 khái niệm nhà chung cư mới xuất hiện ở HN, bắt đầu tư chung cư Linh Đàm. Khu Linh Đàm và sau đó là khu Định Công, Đại Kim dành cho những người có thu nhập trung bình. Thiết kế điển hình là biến thể từ nhà tập thể, hành lang bên biến thành hàng lang giữa, diện tích căn hộ lớn lên gấp đôi và có thang máy vì chiều cao cũng gấp đôi, khoảng 9-15 tầng. Với kiểu thiết kế hành lang giữa, mỗi cụm thang phục vụ cỡ 8-12 căn hộ, đôi chỗ vẫn có thiết kế cửa sổ mở ra hành lang chung nhưng thường là mở trên cao quá đầu để tăng tính riêng tư. Tính cộng đồng của các khu này vẫn tương đối cao, cư dân đa số là người ngoại tỉnh chuyển về HN, nên lối sống khá giống với tỉnh lẻ, 1 phần nữa là do mỗi tầng có quá đông căn hộ, hành lang lại dài, sảnh thang máy rộng, nên trẻ em thỏa sức nô đùa chạy nhảy thậm chí đá bóng được. Lối sống tỉnh lẻ vẫn có tính cộng đồng cao hơn lối sống đô thị lâu năm như HN và TP HCM. Hàng xóm ở tỉnh lẻ cách xa vài trăm mét vẫn quen nhau, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Hàng xóm ở HN thì thường ít quen biết nhau hơn và quan hệ thường không thân mật bằng ở ngoại tỉnh, do người ta ít khi “tối lửa tắt đèn” nên chả cần sợ trợ giúp của hàng xóm. Cư dân cũ của HN (trên 10 năm) thường có lối sống văn minh đô thị cao hơn dân mới nhập cư, họ thường tôn trọng tự do cá nhân của hàng xóm hơn. Với lối sống và kiểu thiết kế kiến trúc này thì khả năng cư dân tổ chức ăn uống ở hành lang và sảnh thang máy là cực cao!


Chung cư Linh Đàm cho người có thu nhập trung bình

Khoảng sau năm 2000 đến nay mới bắt đầu có khái niệm chung cư cao cấp (4C) ở HN và TP HCM, các chung cư này thường nằm ở vị trí trung tâm hoặc ở các khu đô thị cao cấp như Phú Mỹ Hưng ở TP HCM hay Ciputra ở HN. Các chung cư này giá cao, dành cho những người có thu nhập cao nên thiết kế đề cao tính riêng tư hơn hẳn các chung cư dành cho người co thu nhập trung bình kiểu Linh Đàm, Định Công. Ở HN có các chung cư như Golden West Lake, Pacific Place là điển hình cho kiểu chung cư cao cấp.

Ở các chung cư kiểu này thì không bao giờ có chuyện ăn nhậu được ở hành lang và sảnh thang máy, thiết kế kiến trúc cũng không cho phép làm điều đó, cư dân cũng ít có tính cộng đồng hơn, thu nhập của cư dân cũng cao hơn nên họ cũng đề cao an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi tiện nghi khi ăn uống, nên không chấp nhận cách ăn uống như trên. Thường thì nhóm cư dân này có xu hướng phê phán lối sống cộng đồng “làng xã” trong chung cư.

Ở khu Ciputra có tòa chung cư với thiết kế “siêu riêng tư” hàng xóm gần như không có cơ hội giao tiếp, họ thường chỉ có thể gặp nhau khi đi...đổ rác, mà thường việc này lại do người giúp việc làm. Chung cư này thiết kế không hề có sảnh thang máy, mỗi 2 căn hộ đi chung 1 thang máy có 2 cửa ở 2 phía đối diện, bước qua cửa thang máy thì đã vào đến sảnh của mỗi căn hộ rồi. Mỗi căn hộ đều có thẻ từ để chỉ có thể bước vào đúng cửa nhà mình, không lên được các tầng khác. Mỗi block nhà có 1 sảnh phụ cho thang máy chở hàng, thang thoát hiểm và phòng chứa rác. Như vậy cư dân chỉ có thể gặp nhau khi thoát hiểm và đổ rác hay khi ở trong thang máy. Nhưng những chỗ này hoàn toàn không phải là không gian để giao lưu nên coi như toàn bộ cư dân ít có cơ hội để quen biết nhau. Đương nhiên với thiết kế này thì không bao giờ có chuyện cư dân có thể tổ chức ăn uống với nhau ở hành lang và sảnh thang máy, đơn giản vì không có chỗ để làm điều đó, người giàu và rất giàu thường ít có nhu cầu giao tiếp với hàng xóm hơn là những người có thu nhập trung bình.


Chung cư Ciputra cho người có thu nhập cao

Bên cạnh các khu chung cư cao cấp và các khu trung bình và thấp kể trên còn có vô số các khu chung cư ở mức độ trung bình khá với vị trí nằm giữa trung tâm và ngoại ô. Thiết kế của các khu này là sự pha trộn giữa 2 kiểu thiết kế trên, có thể vẫn có hành lang giữa dài thượt với 8-12 căn hộ (dẫn đến tính cộng đồng cao) nhưng giá bán cao hơn, ở trung tâm hơn, nên cư dân có lối sống “văn minh” hơn các khu ở vùng ven với đa số là dân nhập cư với thu nhập thấp hơn. Cuộc sống ở các khu này mới thực sự là “bi kịch” do sự pha trộn lối sống của nhà giàu và nhà chưa giàu lắm (dân nhập cư có thu nhập cao đem theo lối sống ngoại tỉnh). Ở đây hoàn toàn có thể có việc tổ chức ăn nhậu ở hành lang chung của nhóm người với lối sống ngoại ô nhưng vẫn tồn tại những người không chấp nhận điều đó, nguy cơ cãi nhau là cao vì nhóm cư dân không thuần nhất này.


Chung cư Golden Land cho người có thu nhập khá

Quay lại bài báo trên, vậy ăn nhậu ở sảnh thang máy và hành lang chung là đáng chê hay đáng khen? Câu trả lời là tùy vào lối sống của đa số cư dân ở chung cư đó. Nếu chung cư đó ở Bắc Cổ Nhuế - Chèm hay Xa La, Linh Đàm thì đó là điều bình thường, thậm chí đáng khích lệ vì làm tăng sự gắn kết của cư dân. Cư dân ở đó tương đối thuần nhất, nếu đa số cư dân đồng ý tham gia thì chả có gì là bất tiện cho ai cả, nhưng nếu có người không đồng ý thì những người khác cũng nên tôn trọng họ. Việc ăn uống ở hành lang thế này thì chắc ăn toàn vệ sinh gấp nhiều lần so với ăn uống ở vỉa hè, thậm chí là nhà hàng bình dân ở HN, nơi mà chả có mấy ai phàn nàn. Hành lang được quét dọn sạch sẽ, không có bụi, thức ăn cư dân tự nấu, đảm bảo chất lượng. Vì vậy, nhưng cư dân sống ở các khu cao cấp hơn, “văn minh” hơn, xin đừng cố áp đặt lối sống của mình cho những người khác. Bạn có thể không cần hoặc không có thời gian giao lưu với hàng xóm nhưng nhiều người khác lại cần, đó là tự do của người ta và việc tổ chức tiệc chung kiểu này làm gia tăng sự gắn kết đó. Mọi sự phù hợp với đa số thì sẽ tồn tại.

Dương Quốc Chính, note FB
Chia sẻ:
Post a Comment